Bạn đang đọc bài viết: 7 nét đẹp văn hoá trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt

Loading
  • svg
28/04/2024By Meow

7 nét đẹp văn hoá trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt

Có thể nói Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất và quan trọng nhất của người Việt. Trong những ngày này có rất nhiều nét đẹp văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc được thể hiện ra. Bạn có đoán được những nét văn hoá đó là gì không? Hãy cùng Hôm Nay Đi Đâu liệt kê ra nhé.

Những nét đẹp văn hóa trong dịp Tết Nguyên Đán

1. Thăm mộ tổ tiên – Nét đẹp văn hoá của người Việt

Hàng năm cứ vào ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, nhiều gia đình người Việt tập trung đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, tỏ lòng hiếu kính mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.

Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, năm mới đến là sự khởi đầu của mọi điều mới, mọi thứ đều cần được sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà. Không chỉ thế, khi cùng nhau đi thăm mộ còn giúp con cháu tỏ bày chữ hiếu và tưởng nhớ đến nguồn gốc cội rễ của mình.

2. Gói bánh chưng bánh tét

Dù bây giờ việc gói bánh chưng bánh tét đã không còn phổ biến như trước nhưng đây vẫn là nét đẹp văn hoá đặc trưng của người Việt. Vào dịp tết, nhà nhà sẽ cùng quây quần lại làm những chiếc bánh gói truyền thống, nói dăm ba câu chuyện thường nhật. Chỉ thế thôi mà hình ảnh gói bánh, luộc bánh đã trở thành ký ức đẹp đẽ của rất nhiều người.

Bánh chưng, bánh tét tuy khác nhau về tên gọi, hình dáng nhưng vẫn giống hệt nhau về nguyên liệu sử dụng. Cụ thể gồm có gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ. Đây là món bánh đã được truyền từ đời này sang đời khác và còn xuất hiện trong câu chuyện kén rể của vua Hùng.

Gói bánh chưng bánh tét là nét đẹp duy trì từ ngàn đời

3. Cúng ông Công ông Táo

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người dân Việt nam lại chuẩn bị sửa soạn mâm cơm cúng, tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là nét văn hóa đặc sắc của người Việt được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.

Người Việt tin rằng, 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo Quân cưỡi cá chép lên trời để trình báo mọi việc làm ăn, cư xử xảy ra trong gia đình dưới hạ giới với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm giao thừa, Táo Quân mới trở lại nhân gian trông coi việc bếp lửa của mình.

Do vị thần bếp biết hết những chuyện hay dở của mình, nên để Táo Quân phù hộ nhiều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn ông công, ông Táo rất cẩn thận. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ… tùy theo khu vực sinh sống.

4. Bữa cơm tất niên

Bữa cơm tất niên thường tổ chức vào chiều 30 tết, cũng có gia đình tổ chức sớm hơn bắt đầu từ 20 tháng Chạp. Mâm cơm có phần thịnh soạn hơn mọi ngày, trước đó sẽ bày ra cúng ông bà tổ tiên, sau đó mới dọn xuống để ăn. Trong dịp này gia chủ cũng sẽ mời thêm những người họ hàng đến dùng bữa. 

Cơm tất niên mang nhiều ý nghĩa hơn các bữa ăn thông thường vì đây là dịp mà con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những ngư­ời đã khuất trong gia đình. Đồng thời còn góp phần gắn kết tình cảm với họ hàng vì mọi người sẽ cùng nhau ăn uống, chuyện trò, ôn lại những điều cũ trong năm.

Cả nhà quây quần cùng ăn bữa cơm tất niên

5. Đón giao thừa

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới trong ngày 30 Tết gọi là giao thừa. Mỗi vùng miền hay mỗi gia đình sẽ có cách đón giao thừa khác nhau nhưng hầu hết mọi người sẽ chuẩn bị mâm cúng chỉn chu để đặt lên bàn thờ và cúng thiên địa ngoài trời. 

Người lớn trong gia đình sẽ đứng ra cúng kiếng vào đúng 0h ngày 1 tháng Giêng âm lịch. Ý nghĩa của lễ cúng giao thừa là cầu nguyện cho gia đình một năm mới với nhiều điều may mắn, tốt lành, bình an. Nó cũng thể hiện truyền thống hiếu kính với các đấng sinh thành, kế thừa và tôn trọng các yếu tố tâm linh từ ngàn đời xưa.

6. Xông đất – nét đẹp văn hoá đặc trưng

Xông đất đầu năm là phong tục được cha ông ta lưu truyền từ rất lâu cho đến nay vẫn còn được duy trì thực hiện. Người ta tin rằng, người xông đất đầu năm có ảnh hưởng đến vận mệnh của gia chủ trong cả năm đó. Tuy nhiên, xông đất không có một chuẩn mực chung hay quy phạm chung nào.

Thời điểm xông đất là sau thời khắc giao thừa trở đi. Những gia đình không quá cầu kỳ thì cũng luôn mong muốn người xông đất là người vui vẻ, rộng rãi để gia đình có một năm may mắn, sung túc. Những người làm ăn kinh doanh thì sẽ chọn người xông đất hợp tuổi hợp mệnh để cầu tài lộc, suôn sẻ cho năm mới.

7. Chúc tết, mừng tuổi

Thêm một nét đẹp văn hóa trong dịp tết mà ai cũng thích chính là chúc tết và mừng tuổi. Vào các ngày đầu năm mọi người sẽ đi chúc tết nhau. Những lời chúc sức khoẻ, bình an trao đi một cách chân thành, trân quý. Đáp lại điều đó thì người lớn sẽ mừng tuổi con cháu bằng những phong bao lì xì đỏ tượng trưng cho may mắn. Và con cháu khi đã lớn khôn cũng sẽ mừng tuổi ông bà, cha mẹ để thay cho lời cầu chúc khỏe mạnh, sống lâu.

Mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới

Trên đây là 7 nét đẹp văn hoá vẫn được chúng ta thực hiện mỗi dịp tết đến xuân về. Không chỉ là thói quen, những điều đó còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa quan trọng về cách đối nhân xử thế, văn hoá và lịch sử của dân tộc. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các phong tục tập quán của nước ta. Đảm bảo sẽ thấy rất thú vị và càng yêu thêm những nét đẹp tinh thần này đấy.

Loading
svg
  • 01

    7 nét đẹp văn hoá trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt

Quick Navigation