Loading
  • svg
01/09/2024By Meow

Chơi chuyền

Thời đại 4.0 có vô vàn trò chơi điện tử, công nghệ ra đời. Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh là tha hồ giải trí với những tựa game đỉnh cao. Tuy nhiên không vì thế mà các trò chơi dân gian mai một đi. Ở đâu đó trong lớp học, sân trường, hiên nhà hay khoảng đất trống bên đường vẫn có nhiều bạn nhỏ tụ tập lại, cùng nhau chơi những trò đã có từ xa xưa như nhảy chồng cao, ô ăn quan, cướp cờ, chơi chuyền… Trong số đó chơi chuyền rất được các bé gái yêu thích vì cách chơi đơn giản nhưng vẫn thể hiện rõ sự khéo léo của mình. Cùng Hôm Nay Đi Đâu tìm hiểu về luật của trò chơi này nhé.

Chơi chuyền là trò chơi dân gian được các bé gái yêu thích

Số lượng và dụng cụ

Không phải là trò chơi vận động đuổi bắt nên chỉ cần một khoảng không gian nhỏ, bằng phẳng vừa đủ vài người ngồi là đã có thể bắt đầu chơi chuyền. Với trò này số lượng người chơi lý tưởng nhất là từ 2 – 5, có thể nhiều hơn nhưng không thể ít hơn. 

Chơi chuyền là trò chơi dân gian nên các vật dụng cũng không cần cầu kỳ. Chỉ cần một quả bóng tròn tròn vừa bằng nắm tay và 10 que gỗ thon dài, đồng đều. Nếu không có bóng thì có thể sử dụng quả chanh, hòn đá, bóng tennis. Que gỗ cũng có thể thay thế bằng đũa hoặc những thanh tre nứa vót nhỏ lại.

Ngày nay đã có nhiều nơi sản xuất ra bộ dụng cụ chơi chuyền tiện lợi bằng silicon hoặc nhựa. Bạn có thể tham khảo mua trên các kênh thương mại điện tử nhé.

Chỉ cần có 2 người là đã có thể bắt đầu chơi chuyền

Cách chơi chuyền

Chơi chuyền không khó nhưng cần sự khéo léo và phải thuộc bài đồng dao. Cũng có những nơi luật chơi không cần đọc đồng dao nhưng nếu có thì trò chơi sẽ thú vị hơn rất nhiều.

Đầu tiên sẽ oẳn tù tì để chọn ra người chơi đầu tiên. Người chơi sẽ phải chơi lần lượt từ bàn 1 đến bàn 10. Cách chơi là tung quả bóng lên không trung, trong khi đó thì phải nhanh tay nhặt từng que gỗ. Bàn 1 thì nhặt 1 que cho 1 lần tung bóng và cứ liên tục 10 lần như vậy. Bàn 2 thì nhặt 2 que cho 1 lần tung bóng, lặp lại 5 lần để lấy hết 10 que. 

Mỗi lần nhặt que xong thì chuyền que qua tay còn lại để tay kia tung bóng và nhặt que cho lần tiếp theo. 

Khi nhặt ở bàn nào thì đọc bài đồng dao tương tự bàn đó. Số lần nhặt que cho mỗi bàn chúng mình cũng note rõ bên dưới cho bạn dễ theo dõi nhé.

  • Bàn 1: Cái mốt, Cái mai, Con trai, cái hến, con nhện, vương tơ, quả mơ, quả mít, chuột chít, lên bàn đôi. Số que nhặt tương ứng: 1 – 1 – 1 – 1 – 1 – 1 – 1 – 1 – 1 – 1.
  • Bàn 2: Đôi tôi, đôi chị, đôi cành thị, đôi cành na, đôi lên ba. Số que nhặt tương ứng: 2 – 2 – 2 – 2 – 2.
  • Bàn 3: Ba đi ra, ba đi vào, ba cành đào, một lên tư. Số que nhặt tương ứng: 3 – 3 – 3 – 1. 
  • Bàn 4: Tư ông sư, tư bà vãi, hai lên năm. Số que nhặt tương ứng: 4 – 4 – 2.
  • Bàn 5: năm con tằm, năm lên sáu. Số que nhặt tương ứng: 5 – 5.
  • Bàn 6: Sáu của ấu, Bốn lên bảy. Số que nhặt tương ứng: 6 – 4.
  • Bàn 7: Bảy lá đa, ba lên tám. Số que nhặt tương ứng: 7 – 3.
  • Bàn 8: Tám quả trám, hai lên chín. Số que nhặt tương ứng: 8 – 2.
  • Bàn 9: Chín cái cột, một lên mười. Số que nhặt tương ứng: 9 – 1.
  • Bàn 10: Ngả năm mươi, mười quả đấm, chấm tay vỏ, bỏ tay chuyền. Số que nhặt tương ứng: 10.

Cách chơi chuyền đòi hỏi sự khéo léo và nhanh nhạy

Không cần đuổi bắt, cũng không cần phải tính toán quá nhiều nhưng chơi chuyền vẫn được đánh giá cao về sự thú vị và bổ ích. Với trò chơi này, người tham gia cần tập trung điều khiển đôi tay của mình sao cho thật khéo léo và nhanh nhạy. Có như vậy mới dễ dành chiến thắng. 

Không ai phủ nhận sự hấp dẫn của những game điện tử mới mẻ, và cũng không ai gạt bỏ được giá trị tinh thần quý giá mà các trò chơi dân gian mang lại. Nếu bạn đang cần những trò chơi giúp cho trẻ hạn chế bớt sự phụ thuộc công nghệ thì hãy vào mục Trò chơi dân gian của chúng mình để tham khảo nhé.

Loading
svg
  • 01

    Chơi chuyền

Quick Navigation