Loading
  • svg
12/07/2024By Meow

Rồng rắn lên mây

Rồng rắn lên mây là trò chơi dân gian quá đỗi quen thuộc không chỉ với trẻ em mà còn cả người lớn. Một điều thú vị là trò chơi này vẫn còn được gìn giữ cho đến tận ngày nay và thường xuyên tổ chức trong các lễ hội, thậm chí là những đợt teambuilding của các doanh nghiệp. Muốn chơi rồng rắn lên mây thì bạn cần học thuộc một bài đồng dao nghe rất vui tai. Cụ thể như thế nào và cách chơi ra sao, cùng Hôm Nay Đi Đâu khám phá nhé.

Rồng rắn lên mây là trò chơi dân gian đã có từ lâu đời

Số lượng và địa điểm

Ưu điểm của rồng rắn lên mây là chúng ta không cần đến bất kỳ dụng cụ nào cũng có thể bắt đầu trò chơi. Yêu cầu duy nhất là người chơi phải học thuộc bài đồng dao để đối đáp trong quá trình tham gia. 

Đây là trò chơi tập thể, không bắt buộc cụ thể về số lượng tuy nhiên thông thường là có từ 6 – 12 người để dễ dàng trong việc di chuyển.

Về địa điểm, rồng rắn lên mây cần khoảng không gian trống, rộng rãi và bằng phẳng để có thể đuổi bắt nhau hoặc di chuyển mà không bị cản trở hay nguy hiểm. Bạn có thể chọn sân trường, bãi biển, sân bóng… để chơi.

Người chơi cần phải học thuộc các bài đồng dao

Cách chơi rồng rắn lên mây

Cái khó nhất và cũng là thú vị nhất ở rồng rắn lên mây là các thành viên phải học thuộc lòng bài đồng dao để cùng đồng thanh với nhau. Luật chơi khá đơn giản như sau: 

Chuẩn bị đội hình

Đầu tiên cần chọn ra 1 người làm thầy thuốc đứng riêng và những người còn lại là rồng rắn, đứng xếp hàng nối nhau lại bằng cái bám vào eo hoặc túm đuôi áo người phía trước để không bị tách ra. Người đứng đầu đoàn rồng rắn nên chọn người to lớn, có sức khoẻ để bảo vệ được đàn con phía sau.

Bắt đầu trò chơi

Người thầy thuốc sẽ đứng phía đối diện với đoàn rồng rắn và sẽ trả lời các câu hỏi của rồng rắn (theo bài đồng dao có sẵn). 

Bắt đầu, đoàn rồng rắn sẽ hỏi:

Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Có nhà hiển binh

Thầy thuốc có nhà hay không?

Lúc này thầy thuốc có thể trả lời “có” hoặc “không”. 

  • Nếu “không” thì phải đưa ra một lý do nào đó tuỳ ý, ví dụ như thầy thuốc đi chợ, đi về quê, đi ngủ… 
  • Nếu “có” thì cuộc đối đáp giữa thầy thuốc và đoàn rồng rắn sẽ diễn ra như sau: 

Thầy thuốc: Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?

Rồng rắn: Rồng rắn đi lấy thuốc cho con

Thầy thuốc: Con lên mấy?

Rồng rắn: Con lên một

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên hai

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên ba

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên bốn

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên năm

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên sáu

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên bảy

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên tám

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên chín

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên mười

Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu

Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu

Thầy thuốc: Xin khúc giữa

Rồng rắn: Cùng máu cùng me.

Thầy thuốc: Xin khúc đuôi

Rồng rắn: Tha hồ mà đuổi

Khi kết thúc câu “tha hồ mà đuổi” thì thầy thuốc sẽ bắt đầu đuổi bắt người đang đứng sau cùng của đoàn rồng rắn. Nhiệm vụ của người đứng đầu rồng rắn lúc này là phải di chuyển sao cho thật khéo léo để thầy thuốc không thể bắt được người đứng cuối. 

Nếu thầy thuốc bắt được người đứng cuối hoặc đoàn rồng rắn bị đứt nửa chừng thì những người đó sẽ bị loại và tiếp tục lượt chơi mới (không có sự xuất hiện của những người đã bị loại ở lượt trước).

Cách chơi rồng rắn lên mây rất đơn giản nhưng vô cùng thú vị

Rồng rắn lên mây là trò chơi vui nhộn giúp trẻ rèn luyện được phản xạ vận động, phán đoán và tăng sự đoàn kết. Ngày nay có nhiều biến thể của rồng rắn lên mây nhưng nhìn chung cách chơi vẫn tương tự như trên. Một trò chơi dân gian khác cũng được nhiều người yêu thích là ô ăn quan, với trò này bạn có thể chơi cùng con ở bất kỳ đâu đấy. 

Loading
svg
  • 01

    Rồng rắn lên mây

Quick Navigation