Thờ cúng tổ tiên là một trong những nét đẹp văn hoá của nước ta đã có từ xa xưa. Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, trong nhà của người Việt luôn có không gian dành cho việc thờ tự ông bà tổ tiên. Bàn thờ có thể lớn hoặc nhỏ, bày biện cầu hoặc đơn giản, nhưng luôn đặt ở vị trí trang trọng và được chăm chút nhất nhà. Vậy bạn có biết văn hoá thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa như thế nào không? Hãy cùng Hôm Nay Đi Đâu tìm hiểu nhé.
Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hoá của người Việt
Nguồn gốc của văn hoá thờ cúng tổ tiên
Việt Nam là một nước đa dạng về tín ngưỡng cũng như tôn giáo và phổ biến hơn cả là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Thờ cúng tổ tiên bao gồm tất cả các hành động, hình thức, lễ nghĩa, cúng bái, thắp hương… những người đã khuất. Đó là những người đầu tiên của gia tộc, dòng họ hay được thần thánh hóa…
Người Việt Nam tin rằng con người sau khi mất đi vẫn đang sống ở một cõi khác, và ở đó mọi nhu cầu đều tương đương khi đang ở trần gian. Vậy nên con cháu phải có nghĩa vụ thờ cúng để cung cấp cho người đã khuất cuộc sống êm ấm.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, gia đình phụ quyền rất coi trọng cha mẹ, ông bà. Nhiều thông tin cho rằng tín ngưỡng này bắt nguồn từ thời Văn Lang, Âu Lạc nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ vào thời điểm Đạo Phật và Nho Giáo du nhập vào Việt Nam với việc đề cao chữ Hiếu.
Ngoài thờ cúng tổ tiên là hệ thống tín ngưỡng lớn nhất tại Việt Nam thì người Việt còn thờ Phật, thờ thần linh và một số hệ thống tôn giáo khác.
Thờ cúng tổ tiên đã tồn tại từ rất lâu đời
Ý nghĩa của thờ cúng tổ tiên
Tục thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa rất nhân văn, không phân biệt sang hèn, giới tính hay tôn giáo. Đại đa số người Việt đều thờ cúng ông bà và những người đã khuất trong gia đình.
Về mặt tâm linh thì việc thờ cúng thể hiện những nguyện vọng tốt đẹp của con cháu đến với tổ tiên, mong cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho những người trong gia đạo về mặt công danh, sự nghiệp, sức khỏe và may mắn.
Bên cạnh đó vì người Việt tin rằng dù đã mất nhưng ông bà vẫn còn hiện hữu, dõi theo con cháu vậy nên việc cúng kiếng thể hiện lòng biết ơn về công sinh thành, dưỡng dục của người đi trước. Điều này đúng với tinh thần uống nước nhớ nguồn – ăn quả nhớ kẻ trồng cây của người Việt Nam.
Thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng biết ơn đến với người đã khuất
Việt Nam là đất nước rất coi trọng văn hoá tín ngưỡng và xem việc thờ cúng tổ tiên là điều bắt buộc trong gia quy. Không chỉ đơn thuần là nén nhang thắp lên bàn thờ mà đó còn là sự biết ơn, thành kính gửi đến những người đã đi trước. Đồng thời cầu mong ơn trên chở che và mang lại bình an cho gia đình. Người Việt còn rất nhiều nét đẹp văn hoá khác đã được gìn giữ hàng trăm năm qua, bạn có thể xem thêm ở mục “Văn hoá” trên website nhé.