Việt Nam không chỉ đa dạng về dân tộc, văn hoá mà còn đa dạng về các làng nghề truyền thống. Trải dài từ Bắc vào Nam, mỗi nơi đều có làng nghề riêng, mang đậm bản sắc của nơi đó. Dù thời đại đã thay đổi, những loại máy móc công nghệ liên tục ra đời để phục vụ công việc sản xuất nhưng những làng nghề thủ công vẫn có chỗ đứng riêng, vẫn được gìn giữ từ đời này sang đời khác.
Tìm hiểu về các làng nghề truyền thống tại Việt Nam
Làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống nổi danh bậc nhất thủ đô. Làng nghề này đã có bề dày lịch sử trên trăm năm và là một trong những nơi cung cấp sản phẩm gốm sứ xuất khẩu gần xa.
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng tinh xảo, sắc nét với đủ kiểu đủ hình: chén, bát, lọ hoa, chậu, lư hương… không bị ngấm nước, không bị nhạt màu theo thời gian. Men Bát Tràng độc đáo, tinh tế với những bí quyết gia truyền làm nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm gốm sứ của làng.
Làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc
Làng lụa Vạn Phúc là cái tên không quá quen thuộc đối với những ai trót yêu mến bộ phim điện ảnh “Áo lụa Hà Đông”. Làng lụa này đã trở thành một địa điểm thu hút các tín đồ du lịch bởi nghề dệt tơ tằm nổi tiếng bậc nhất Việt Nam thời điểm bấy giờ. Vẻ đẹp cổ kính của làng lụa Vạn Phúc cũng là điều thu hút các tín đồ du lịch đến đây tham quan.
Bà tổ nghề dệt lụa ở Vạn Phúc có tên là Lê Thị Nga, hiện trong làng còn có đền thờ bà. Lụa Vạn phúc nổi tiếng là “mịn mặt, mát tay”. Các mặt hàng lụa đa dạng: Lụa vân, Lụa the, Lụa xa, Lụa quế, Gấm…
Làng nghề truyền thống tranh dân gian Đông Hồ
Đông Hồ là một làng chuyên vẽ tranh dân gian nổi tiếng ở Việt Nam, Đông Hồ thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nghề vẽ tranh dân gian ở đây đã có từ lâu đời. Ngày xưa, làng chỉ vẽ tranh để bán trong dịp Tết Nguyên Đán nhưng nay, tranh dân gian Đông Hồ được vẽ cả những ngày thường để phục vụ khách du lịch.
Nguyên liệu để vẽ tranh là giấy dó và màu làm từ gạch non, lá cây, rễ cây đốt thành than. Muốn cho tranh có độ óng ánh người ta dùng vỏ sò, nghêu nung lên thành vôi, giã nhỏ, trộn với nhựa cây phết đều lên giấy dó sau đó bắt đầu vẽ. Hầu hết tranh Đông Hồ đều thể hiện ước vọng hòa bình, hạnh phúc, ấm no… cho nên thường được treo trong nhà trong những dịp Xuân về.
Tranh dân gian Đông Hồ thường được treo vào dịp tết
Làng nghề truyền thống làm giấy Dó Yên Thái
Nghề làm giấy đã tồn tại ở Quảng Bình hơn 6 thế kỷ. Làng Yên Thái nổi tiếng sản xuất nhiều loại giấy khác nhau, bao gồm giấy ban (viết lệnh vua) và giấy bản (viết mệnh lệnh của vua).
Nguyên liệu làm giấy này được lấy từ cây Dó phổ biến ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Nghệ nhân làm giấy Dó phải trải qua nhiều bước chế biến chính xác và phức tạp, từ việc lựa chọn nguyên liệu tốt đến ngâm nước, đập và làm phẳng,… Sản phẩm được sử dụng rộng rãi để viết chữ Hán, in tranh dân gian và sách.
Làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ Kim Bồng
Làng mộc Kim Bồng là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng đánh dấu giá trị văn hóa độc đáo và nhiều tác phẩm nghệ thuật. Làng thu hút nhiều du khách nội địa và quốc tế bằng những sản phẩm đẹp và ấn tượng làm từ gỗ.
Bắt đầu từ thế kỷ 16, phong cách mộc của Kim Bồng là sự kết hợp tuyệt vời giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Chăm, và đôi bàn tay tài năng của các thợ mộc Việt Nam. Ở đây, bạn có thể tự do tìm hiểu công việc của những người điêu khắc thực sự và thăm các cửa hàng lưu niệm của người dân địa phương để mua những vật dụng nhỏ về làm quà.
Làng nghề truyền thống tranh sơn mài Tương Bình Hiệp
Nổi tiếng nhất ở làng tranh sơn mài Bình Dương là làng tranh Tương Bình Hiệp, nằm cách thành phố Thủ Dầu Một 7km về phía bắc. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến từng công đoạn của nghề truyền thống sơn mài chỉ có ở Việt Nam. Với hàng trăm hộ làm tranh sơn mài, có hộ chỉ làm một hai công đoạn của tấm tranh rồi giao lại cho các hộ khác làm những công đoạn tiếp theo.
Có thể nói ở Tương Bình Hiệp, nghề làm tranh sơn mài đã được công nghiệp hóa với những dây chuyền sản xuất rạch ròi nhưng hoàn toàn mang tính gia đình, tinh xảo nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông. Những sản phẩm tranh sơn mài Bình Dương được người yêu tranh Việt Nam và thế giới ưa chuộng mua về treo trong nhà một cách trang trọng.
Làng nghề truyền thống nón Tây Hồ
Nón lá Tây Hồ nổi tiếng bởi độ mỏng, thanh, màu sắc nền nã và đường kim, mũi chỉ đều, đẹp nên người tiêu dùng rất yêu chuộng. Nón lá là vật trang sức làm duyên thêm nét đẹp của những thiếu nữ và là vật che nắng hữu hiệu của nhiều người.
Người dân quê đi chợ, đi làm ruộng không thể thiếu chiếc nón lá đội đầu. Nón lá đã gắn bó với cuộc sống của người nông dân Tây Hồ một nắng hai sương trên đồng ruộng một cách tự nhiên và bền bỉ dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay.
Không chỉ nổi tiếng với nón lá bài thơ, dân làng Tây Hồ còn rất khéo léo khi tạo ra những chiếc nón lá kè hai lớp bền, đẹp, đội mát.
Làng nghề làm nón Tây Hồ nức tiếng gần xa
Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước
Làng đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành từ thế kỷ 18 do ông Huỳnh Bá Quát mang nghề từ tỉnh Thanh Hóa vào khai thác. Mấy mươi năm sau, làng Quan Khái (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đều sinh sống và phát triển bằng nghề này.
Đá mỹ nghệ ở đây chủ yếu được làm từ đá cẩm thạch khai thác ở Ngũ Hành Sơn với các đường vân nhiều sắc màu. Vẻ đẹp của đá mỹ nghệ Non Nước được đánh giá là có phần cao sang, thu hút các tín đồ du lịch mua về làm quà cho người thân sau chuyến tham quan Đà Nẵng.
Làng nghề truyền thống chiếu tre Kim Sơn
Cách thành phố Ninh Bình 30km, làng Kim Sơn nổi tiếng với các sản phẩm thủ công làm từ tre chất lượng cao. Nhờ có đất phù sa rộng lớn, đây là điều kiện lý tưởng để người làng trồng cây tre.
Cây tre được thu hoạch tươi mới, cắt trước khi được phơi khô và mang ra thị trường. Sau đó, chúng sẽ được dệt thành chiếu và các sản phẩm độc đáo khác. Những chiếc chiếu được làm bởi người làng Kim Sơn rất đẹp mắt, bền và khó tìm thấy ở những nơi khác.
Làng nghề truyền thống thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp – Chung Mỹ
Nét độc đáo của làng nghề dệt là dệt theo dạng thủ công truyền thống, những sản phẩm thổ cẩm làm ra vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn trong từng công đoạn, bí quyết, chất liệu, hoa văn của thời xa xưa để lại. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến đôi bàn tay thuần thục của những người thợ, sự khéo léo của các nghệ nhân để làm nên sản phẩm thổ cẩm tuyệt đẹp.
Trong những năm gần đây sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp – Chung Mỹ ngày càng đa dạng và phong phú: ngoài chăn, áo, khăn người ta còn làm các loại khác như cà vạt, túi xách, bóp, ví… để phục vụ khách mua quà lưu niệm trong chuyến du lịch về Ninh Thuận.
Các sản phẩm thổ cẩm đa dạng thu hút khách du lịch
Trên đây chỉ là 10 trong số rất nhiều làng nghề truyền thống tại Việt Nam. Dù thế giới thay đổi, dù các loại máy móc công nghệ có hiện đại đến cỡ nào đi nữa thì vẫn luôn có những nghệ nhân thầm lặng, gìn giữ nét văn hóa truyền thống mà ông cha ta để lại. Nếu bạn yêu thích những điều đơn sơ, mộc mạc này thì có thể tìm hiểu và ghé thăm các làng nghề khi đi du lịch nhé. Đảm bảo sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị đấy.