Sự đa dạng của những trò chơi dân gian phần nào thể hiện được sự đa dạng trong đời sống văn hoá, giải trí của người dân Việt Nam. Tưởng đâu các trò chơi từ xa xưa sẽ mai một dần trong thời ngày nay nhưng tại các thôn xóm, trường học vẫn dễ dàng bắt gặp các bạn nhỏ đang cùng nhau chơi những trò chơi dân gian vui nhộn. Nhảy chồng cao là trò chơi quen thuộc được nhiều người yêu thích. Không cần chuẩn bị bất cứ dụng cụ nào vẫn có thể bắt đầu những giờ giải trí thú vị cùng bạn bè. Để Hôm Nay Đi Đâu bật mí cho bạn cách chơi nhảy chồng cao nhé.
Nhảy chồng cao thường được tổ chức chơi tại các trường học
Số lượng người chơi và địa điểm
Cũng như nhiều trò chơi dân gian khác, nhảy chồng cao không quy định cụ thể số lượng người chơi. Tuy nhiên để đảm bảo công bằng cho cả 2 đội và trò chơi diễn ra sôi động thì số lượng lý tưởng là 8 hoặc 10 người chơi (số chẵn).
Nhảy chồng cao có thể tổ chức chơi ngay tại sân nhà, sân trường, trong lớp học, ngoài cánh đồng, sân vận động… Chỉ cần không gian đủ rộng và bằng phẳng để di chuyển là được. Tuy nhiên đây là trò chơi nhảy bằng chân không nên hãy chọn những nơi không có chướng ngại vật, đá dăm nhé.
Nhảy chồng cao không yêu cầu cụ thể số lượng người chơi
Luật chơi nhảy chồng cao
Trước khi bắt đầu trò chơi bạn cần thuộc các thuật ngữ sau:
- Canh một: 1 bàn chân để thẳng đứng, gót chân chạm đất
- Canh hai: 2 bàn chân chồng lên nhau thẳng đứng
- Canh ba: 3 bàn chân chồng lên nhau thẳng đứng
- Canh tư: 4 bàn chân chồng lên nhau thẳng đứng
- Canh búp: Dùng bàn tay chụm lại đặt lên trên canh tư
- Canh nở: Dùng bàn tay chụm, nhưng để hé miệng đặt lên trên canh tư
- Canh tàn: Xòe cả lòng bàn tay đặt lên trên canh tư
- Canh gươm: Để một ngón tay thẳng đứng đặt lên trên canh tư
Đầu tiên cả 2 đội sẽ oẳn tù tì để chọn đội đi trước. Đội thua cử ra 2 người ngồi đối diện nhau. Đội thắng sẽ đi lần lượt từ canh một đến canh gươm như đã nói bên trên.
Cụ thể, đội thua sẽ có 1 người duỗi chân ra, 1 bàn chân để thẳng đứng, gót chân chạm đất. Lần lượt từng thành viên của đội thắng sẽ nhảy qua và khi nhảy thì hô “đi canh một”.
Sau khi các thành viên nhảy xong canh một thì đội thua tiếp tục chồng 1 bàn chân lên bàn chân lúc nãy để đội thắng đi canh hai. Và cứ thế tiếp tục cho đến khi đi hết canh gươm.
Nếu có thành viên nào trong đội nhảy chạm vào chân hoặc tay của 2 người thua thì đội đó thua cuộc, thay cho đội còn lại bắt đầu lượt chơi.
Trò chơi nhảy chồng cao này có nhiều biến thể và quy định, có nơi không chia ra 2 đội mà người nào thua thì thế chỗ người đang ngồi để tiếp tục lượt chơi. Vậy nên trước khi chơi nên thông báo kỹ quy định nhé.
Cách chơi nhảy chồng cao vô cùng đơn giản
Nhảy chồng cao không khó chơi nhưng cần khéo léo để vượt qua những “chướng ngại vật” từ đội đối thủ. Trò chơi này sẽ rèn luyện cho các bé khả năng điều khiển hình thể, nhảy cao và sự khéo léo luồn lách. Nếu bạn yêu thích những trò vận động thì hãy tham khảo thêm nhảy bao bố – chỉ cần một chiếc bao là đã có thể bắt đầu một trò chơi sôi động, thú vị, đầy tiếng cười.