Bắc Kạn thuộc vùng Đông Bắc, có tỉnh lỵ là thành phố Bắc Kạn, giáp các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang, có sự phân hóa khí hậu theo mùa rõ rệt. Nhiệt độ cao nhất trong mùa hè khoảng 35 độ C, thấp nhất vào mùa đông 7-8 độ C.
Mùa hè (tháng 5 đến 7) là thời điểm đẹp nhất để đến Bắc Kạn khi trời khô ráo, nhiệt độ thấp hơn từ 3 đến 5 độ C so với vùng đồng bằng và các thành phố lớn. Điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Bắc Kạn là hồ Ba Bể.
Cùng Homnaydidau.net khám phá vùng đất du lịch này nhé.
Di chuyển đến Bắc Kạn
Bắc Kạn cách Hà Nội 165 km. Từ Hà Nội tới Bắc Kạn có hai đường là theo QL3 cũ (khoảng 3 tiếng di chuyển, đi được ôtô và xe máy) và theo cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên sau đó vào tiếp QL3, thời gian khoảng 2 tiếng (chỉ đi được ôtô).
Xe khách xuất phát từ bến Mỹ Đình (Hà Nội). Bạn có thể chọn các nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Bắc Kạn hoặc Cao Bằng. Các xe này thường đi qua những điểm du lịch nổi tiếng, trong đó có hồ Ba Bể.
Với du khách từ TP HCM và các tỉnh thành phía Nam, cách di chuyển hợp lý nhất là bay ra Hà Nội và đi theo hướng dẫn kể trên.
Lưu trú ở Bắc Kạn
Ngoài các điểm lưu trú tập trung tại khu vực hồ Ba Bể, du khách có thể lựa chọn khách sạn, nhà nghỉ ở thành phố Bắc Kạn. Giá lưu trú cho một đêm dao động từ 200.000 đến 400.000 đồng gồm có: nhà nghỉ Phúc Anh, khách sạn Phương Nam, khách sạn Hưng Vân, Nam Hotel.
Điểm đến
Hồ Ba Bể
Nói đến Bắc Kạn không thể không nhắc đến Ba Bể, một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể. Hồ cách thành phố Bắc Kạn 70 km về phía tây bắc, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, được hợp thành từ ba hồ Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm.
Ba Bể nằm ở độ cao 145 m so với mực nước biển, dài hơn 8 km, nơi rộng nhất khoảng 3 km, diện tích mặt nước khoảng 500 ha, độ sâu trung bình 20 m, nơi sâu nhất 35 m, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi và có nhiều suối ngầm, hang động. Ba Bể có nhiều loài cá nước ngọt, trong đó có những loài quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam như cá dầm xanh, cá chiên.
Trên hồ Ba Bể, du khách có thể tham quan bằng xuồng máy, kayak, SUP, thuyền độc mộc. Ngoài ra, trekking trong rừng cũng là một trải nghiệm nên thử. Ở xã Nam Mẫu vào mùng 10 tháng giêng có lễ hội Lồng Tồng, là cơ hội để người dân gặp gỡ, giao lưu. Đây là lễ hội cầu may, cầu mưa, thể hiện khát vọng ấm no, hạnh phúc của con người.
>> Xem thêm Cẩm nang du lịch hồ Ba Bể
Thành phố Bắc Kạn
Thành phố Bắc Kạn là nơi kết nối các tour tuyến với những huyện giàu tiềm năng du lịch như Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể. Trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và cấp tỉnh: động Áng Toòng, thác Nà Noọc, di tích Khuổi Cuồng – nơi Bác Hồ từng ghé thăm, nhà Hội đồng Pháp, nhà Công sứ Pháp. Bên cạnh đó, thành phố còn có các công trình văn hóa tâm linh như đền Cô, đền Mẫu, đền Thác Giềng.
Đặc biệt, Bắc Kạn còn phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp làm du lịch, cho du khách cơ hội trải nghiệm vùng sản xuất rau thủy canh, cây ăn quả; mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất và chế biến nghệ, khu homestay gắn với sinh hoạt của người dân tộc thiểu số; mô hình du lịch trải nghiệm vùng trồng cây mơ vàng; làng nghề chế biến các sản phẩm trang trí, lưu niệm từ hạt gỗ.
Thảo nguyên Sam Chiêm
Sam Chiêm nằm ở xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn khoảng 30 km. Không quá nổi tiếng nhưng ngọn đồi này là điểm thư giãn cuối tuần cho du khách muốn hòa mình với thiên nhiên. Du khách đến Sam Chiêm theo đường mòn trên địa hình đồi núi. Xe máy và ôtô đều có thể tiếp cận. Nổi bật nhất là sắc xanh trải dài từ con đồi này nối tiếp con đồi khác. Xen giữa đồi cỏ là những vạt rừng. Khí hậu Sam Chiêm mát mẻ, nhiệt độ trung bình dưới 30 độ C, thích hợp cho những hoạt động ngoài trời tận hưởng thiên nhiên. Nhiều bạn trẻ chọn Sam Chiêm là nơi check-in, cắm trại qua đêm.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì, cách thành phố Bắc Kạn khoảng 80 km. Toàn khu có diện tích hơn 14.000 ha, hệ sinh thái động thực vật phong phú. Ở đây có loài voọc má trắng, những giống sóc, khỉ có nguy cơ tuyệt chủng. Kim Hỷ còn lưu giữ một số nguồn gien quý của các loại thực vật đặc hữu như cây thiết sam giả (còn được gọi là du sam đá vôi hay thông đá) mà trên thế giới hiện chỉ còn ở miền núi phía Bắc Việt Nam và hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Khu bảo tồn Kim Hỷ còn giàu tài nguyên khoáng sản, nhất là vàng.
Hồ Bản Chang
Hồ Bản Chang thuộc xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, giáp với QL3 đi Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn 60 km. Là hồ nước tự nhiên có hình bán nguyệt, Bản Chang nằm giữa thung lũng, diện tích mặt hồ khoảng 5 ha, xung quanh là những cánh rừng thông, khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh quan yên bình và lãng mạn. Nơi đây thích hợp với các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, các hoạt động tập thể như chèo thuyền, bơi lội, câu cá, cắm trại.
Rừng trúc Yến Dương
Cách hồ Ba Bể khoảng 10 km, rừng trúc ở thôn Phiêng Phàng (rừng trúc Pù Lầu), xã Yến Dương, huyện Ba Bể là nơi được ví như bối cảnh của phim kiếm hiệp. Trên đường tới Phiêng Phàng, du khách được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những nét văn hóa và tập quán sinh hoạt mang đậm bản sắc đồng bào dân tộc Dao.
Qua rừng trúc, du khách đến thác Pù Lầu cao gần 100 m, nước đổ xuống những phiến đá phủ đầy rêu.
Hang Thẳm Phầy
Thẳm Phầy được ví như “Sơn Đoòng” của huyện Ba Bể, cách trung tâm xã Hoàng Trĩ khoảng 2 km. Năm 2016, một nhóm thám hiểm hang động Việt Nam và đại diện Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh lần đầu tiên khám phá Thẳm Phầy. Trong hang đá vôi này có hệ thống sông ngầm, các khối thạch nhũ được kiến tạo từ 5 triệu năm trước.
Sâu bên trong, ở vị trí cách cửa hang hơn 1km xuất hiện hai nhánh động, nhánh phía trái ăn sâu vào sườn núi, nhánh bên phải ăn vào lòng núi, mực nước khá sâu.
Càng vào sâu, địa hình càng phức tạp, những dải thạch nhũ xuất hiện nhiều. Theo người địa phương, hang dài khoảng 5-6 km. Hiện nay, hang Thẳm Phầy đang được các cơ quan chức năng đánh giá hiện trạng để có thể quy hoạch đưa vào khai thác du lịch. Địa điểm này chưa được mở rộng rãi cho khách tham quan.
Các điểm cắm trại
Gần đây, Bắc Kạn là địa điểm “hot” của giới mê cắm trại. Các bãi trại nổi tiếng là hồ Bản Chang, xã Đức Vân (Ngân Sơn), đồi cỏ Tân An (Na Rì), đồi cỏ Lủng Tráng, xã Hà Hiệu và đồi cỏ Phiêng Chỉ, xã Phúc Lộc (Ba Bể). Riêng khu vực hồ Ba Bể có 4 địa điểm được các bạn trẻ lựa chọn là bãi đất bồi cuối sông Lèng ở bản Pác Ngòi, bãi đất rộng (địa điểm tổ chức Hội xuân Ba Bể) nằm ngay sát hồ Ba Bể thuộc thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, vườn Lạc Ngà ở vị trí cuối hồ Ba Bể và động Puông. Các điểm này đều có dịch vụ cho thuê lều trại, bếp nướng và các hoạt động ngoài trời như câu cá, chèo thuyền kayak, đốt lửa.
Đèo Gió
Đèo Gió nằm ở ranh giới thị trấn Nà Phặc và huyện Ngân Sơn, cách thành phố Bắc Kạn 50 km về phía bắc. Đỉnh đèo có độ cao 800 m so với mực nước biển, thường xuyên có mây mù bao phủ. Ở đỉnh đèo có thôn Đèo Gió, là điểm dừng chân ngắm cảnh và mua sản vật địa phương cho du khách trên đường tới thành phố Bắc Kạn hay tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, đèo cũng được coi là “cung đường nguy hiểm”, tài xế cần vững tay lái, cẩn thận hơn khi di chuyển.
Ăn uống
Bánh coóc mò là đặc sản truyền thống của người Tày, không chỉ Bắc Kạn mà còn có ở tỉnh lân cận Tuyên Quang. Bánh có hình dạng chóp nhọn như sừng bò, được làm quanh năm, bày bán nhiều ở chợ phiên. Coóc mò được làm từ gạo nếp, đỗ đen hoặc đỗ xanh trộn lẫn, gói bằng lá chuối, buộc lạt tre giang.
Khâu nhục là món ăn mang đậm bản sắc của người dân tộc Tày – Nùng ở Bắc Kạn. Món ăn sử dụng nguyên liệu chính là khoai môn vân tím và thịt ba chỉ. Khâu nhục có vị béo của thịt, bùi của khoai và đậm đà của nước sốt, thường có trong mâm cỗ Tết, cưới hỏi, tân gia.
Bánh ngải nổi tiếng ở Lạng Sơn nhưng cũng khá phổ biến ở Bắc Kạn. Bánh có màu xanh đặc trưng tuy hình thù và cách làm gần giống bánh giầy của người miền xuôi. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương, không được lẫn gạo tẻ. Bánh dễ ăn, mát và không ngấy. Vị hăng, thơm của lá ngải cứu hòa hợp với cái dẻo, ngọt của nếp gây ấn tượng khi bạn lần đầu tiên nếm thử. Bánh ngải có hai loại, nhân ngọt và mặn.
Lạp xưởng hun khói được làm từ thịt lợn bản thơm và chắc. Một điểm độc đáo là lạp xưởng ở Bắc Kạn được tẩm ướp với gừng đá, loại gừng cay thơm chỉ mọc trên vùng núi đá vôi. Sau khi chế biến, lạp xưởng được mang đi hun khói hay gác bếp để có thể bảo quản lâu. Thành phẩm có mùi nắng, mùi khói bếp, thoảng mùi gừng, rượu, lá mắc mật, tạo thành hỗn hợp hương thơm đặc biệt. Món ăn ngon hơn khi nhắm cùng rượu địa phương.
Ngoài ra, Bắc Kạn còn có một số món ăn đặc trưng như cá nướng, rau sắng, miến dong Na Rì, trám đen, chè shan tuyết.
Lưu ý
Đường đi lại có nhiều đoạn đèo dốc ngoằn ngoèo nên cần đảm bảo giữ an toàn khi lái xe.
Ở Bắc Kạn không có nhiều cây ATM hay điểm quét mã QR nên du khách nên mang theo tiền mặt.