Có lẽ rất nhiều bạn nhỏ quen thuộc với trò chùm nụm – một trò chơi dân gian phổ biến và rất vui nhộn. Luật chơi không phức tạp hay cầu kỳ, cũng không có thưởng phạt hoành tráng nhưng vẫn tạo ra không gian rất sôi động và thú vị. Nghe cái tên chùm nụm có vẻ khó hiểu nhưng khi chúng mình hướng dẫn cách chơi bạn sẽ thấy dễ hiểu vô cùng. Cùng chúng mình khám phá luật chơi ngay sau đây nhé.
Chùm nụm có luật chơi đơn giản, được các bạn nhỏ yêu thích
Số lượng và địa điểm
Chùm nụm là trò chơi tập thể, thường được chơi với số lượng người từ 4 đến 8 người. Tuy nhiên, số lượng người chơi có thể thay đổi tùy vào quy mô của cuộc chơi và không gian tổ chức. Trò chơi này phù hợp đặc biệt phù hợp với trẻ em ở lứa tuổi mầm non và tiểu học.
Vì không cần chuẩn bị dụng cụ cầu kỳ nên có thể chơi chùm nụm ở bất kỳ đâu, miễn là có không gian để ngồi quây quần bên nhau. Mọi người có thể tổ chức tại lớp học, sân trường, trong nhà, công viên… tuỳ nhu cầu.
Chùm nụm phù hợp với trẻ em ở lứa tuổi mầm non và tiểu học
Cách chơi chùm nụm
Có lẽ cái khó nhất của chùm nụm là người chơi phải học thuộc một bài đồng dao mới có thể tham gia một cách suôn sẻ và vui vẻ được. Bên dưới chúng mình sẽ trích dẫn bài đồng dao đó.
Bây giờ để bắt đầu trò chơi thì tất cả người chơi sẽ đứng hoặc ngồi thành vòng tròn và nắm tay lại. Tay người này xen kẽ tay người kia, 2 bàn tay của cùng một người không được để cạnh nhau. Trong tất cả người chơi thì sẽ có 1 người (tạm gọi là quản trò) để 1 tay vào, tay còn lại dùng để chỉ lần lượt các bàn tay trong lúc hát đồng dao.
Mọi người sẽ cùng nhau hát chầm chậm:
“Chùm nụm chùm nẹo
Tay tí tay tiên
Đồng tiền chiếc đũa
Hạt lúa ba bông
An trộm ăn cắp
Trứng gà trứng vịt
Bù xe bù xít
Con rắn con rít
Nó rít tay này”
Khi hát mỗi từ của bài đồng dao thì quản trò sẽ chỉ lần lượt vào các bàn tay. Đến từ “này” cuối cùng chỉ trúng bàn tay nào thì tay đó loại khỏi vòng và người bị chỉ trúng sẽ thay thế vào vị trí quản trò điều hành trò chơi tiếp tục. Sẽ chơi cho đến khi tất cả bàn tay của người trong vòng bị loại.
Trò chơi này không có thắng thua, nhưng nếu bạn muốn tăng độ thú vị thì có thể ra quy định người ở lại cuối cùng chiến thắng và được nhận phần thưởng nào đó.
Luật chơi chùm nụm đơn giản, mang đến nhiều tiếng cười
Chùm nụm thường xuyên được tổ chức tại các lớp mầm non – tiểu học hoặc các bạn nhỏ sẽ tự quây quần chơi với nhau trong các giờ nghỉ. Người lớn cũng nên tìm hiểu về trò chơi này để tham gia cùng bé, giúp gắn kết tình cảm gia đình và hạn chế cho bé tiếp xúc các trò chơi điện tử. Ngoài chùm nụm bạn có thể tham khảo thêm chi chi chành chành, tập tầm vông, thả đỉa ba ba… Đây đều là những trò chơi dân gian mà trẻ em rất yêu thích đấy.