Thủ tục cưới hỏi miền Trung khác với miền Tây hay miền Nam, Bắc. Nghi lễ hay sính lễ có phần đơn giản nhưng vẫn gói trọn tình cảm và sự trân quý của 2 gia đình dành cho đôi trẻ. Vì ảnh hưởng bởi các quan niệm từ xa xưa nên người miền Trung rất cẩn trọng trong ngày cưới và có nhiều điều kiêng kỵ trong dịp quan trọng này. Cụ thể thế nào hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé.
Tìm hiểu thủ tục cưới hỏi miền Trung
Thủ tục cưới hỏi miền Trung
Phong tục cưới hỏi miền Trung chỉ đơn giản với 3 bước cơ bản gồm lễ dạm ngõ, lễ hỏi và lễ cưới. Mỗi bước có những tính chất riêng mang đậm bản sắc văn hoá của nơi đây.
Lễ dạm ngõ
Đây được xem là lễ đơn giản nhất nhưng lại vô cùng quan trọng không thể bỏ qua. Lễ dạm ngõ được tiến hành khi hai bên trai gái cảm thấy tình yêu đã đủ chín, muốn chính thức về chung một nhà với điều kiện đã thông báo với cha mẹ hai bên và được hai bên đồng ý, tác hợp.
Đây là dịp đánh dấu lần gặp mặt đầu tiên chính thức giữa nhà trai và nhà gái để trao đổi về đám cưới. Tại lễ dạm hỏi này, nhà trai sẽ cùng với các con chọn ngày lành tháng tốt, rồi trao đổi thống nhất với nhà gái.
Sau khi được bố mẹ cô gái đồng ý, bố mẹ chàng trai và người đại diện của gia đình (thường là những người lớn tuổi, có uy tín trong dòng họ như trưởng họ hoặc người có có vai vế cao hơn bố chú rể) sẽ mang theo một chai rượu và khay trầu sang nhà cô gái.
Lễ dạm ngõ là lần đầu 2 gia đình gặp nhau bàn chuyện cưới xin
Lễ hỏi
Lễ hỏi, lễ ăn hỏi hay còn gọi là lễ đính hôn, đây là nghi lễ thứ hai trong thủ tục cưới hỏi miền Trung. Người miền Trung không quá nặng nề về vật chất thể hiện trong nét đặc trưng trong tính cách đời thường cũng như trong thủ tục cưới hỏi nhưng rất tôn trọng về các thủ tục, lễ nghi.
Với người miền Trung, đám hỏi sẽ cần chuẩn bị 5 mâm lễ cơ bản gồm: mâm trầu cau, mâm quả trà, đôi rượu, mâm kem đính hôn, mâm nem chả và cuối cùng là mâm ngũ quả. Tùy vào thực tế và điều kiện của các gia đình số mâm lễ có thể thay đổi để phù hợp.
Một số gia đình có thể thay thế bánh kem bằng bánh xu xê. Ngoài ra mâm quả trầu cau và mâm ngũ quả cũng có thể kết thành hình rồng phượng để trông đẹp mắt, thêm phần ấn tượng cho lễ ăn hỏi, đồng thời thể hiện sự cầu may và phúc vận cho cặp đôi.
Ngoài các mâm quả trên, nhà trai thường chuẩn bị thêm 1 mâm nhỏ để đựng tiền treo. Mâm này gọi là mâm lễ đen và đặt lên bàn thờ nhà gái để kính báo tổ tiên. Với những gia đình nhà trai khá giả, có thể tặng thêm trang sức như vòng vàng, hoa tai vàng… cho cô dâu.
Trong lễ ăn hỏi nhà trai sẽ đem các mâm lễ qua nhà gái
Lễ cưới
Lễ cưới là nghi thức trọng tâm và cũng được tổ chức hoành tráng nhất trong 3 nghi lễ. Tới ngày đẹp giờ đẹp, nhà trai sẽ dẫn đoàn đến nhà gái để đón dâu về nhà báo cáo với ông bà, tổ tiên. Nhà gái cũng cắt cử người đưa cô dâu về nhà chồng.
Khi đoàn đón dâu nhà trai đến trước cổng nhà gái, người trưởng đoàn sẽ cử người đem lễ vật vào nhà giá để trình giờ và xin phép được làm lễ. Thời gian tốt đã được đôi bên thống nhất từ trước để mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn.
Kết thúc lễ, cô dâu và chú rể sẽ bưng mâm trầu cau, thuốc lá ra cổng tiễn đoàn nhà gái ra về. Các thành viên nhà gái sẽ lấy miếng trầu hoặc điếu thuốc sau đó bỏ lại khay những đồng tiền lẻ để câu may cho cặp đôi uyên ương.
Sau lễ cưới 3 ngày, vợ chồng son sẽ về thăm lại nhà cô dâu (đây được gọi là lễ lại mặt hoặc lễ phản bái). Một số những gia đình còn cho phép đôi vợ chồng về thăm nhà ngay sau khi xong lễ cưới.
Lễ cưới là nghi thức trọng tâm trong thủ tục cưới hỏi miền Trung
Những điều cần lưu ý trong lễ cưới miền Trung
Ông bà ta hay nói có thờ có thiêng có kiêng có lành, câu này đặc biệt đúng với người miền Trung. Vào dịp quan trọng như cưới hỏi, người dân nơi đây sẽ đưa ra những điều kiêng kỵ cần phải làm theo để tránh gặp điều không hay:
- Khi chào hỏi bố mẹ để về nhà chồng cô dâu nên đi thẳng người không quay lại nhìn người thân.
- Phụ nữ mang thai không được trang trí và ngồi lên giường cưới trong phòng tân hôn cho cô dâu, chú rể.
- Tại các ngã ba, ngã năm, ngã bảy hay đi qua sông, qua cầu, đoàn đón dâu nên thả tiền lẻ, gạo, muối để hành trình đón dâu được thuận lợi.
- Những người đang có tang không được phép tham gia lễ đón và đưa cô dâu về nhà chồng. Điều này hạn chế đem đến vận xui cho cặp đôi.
- Trong thủ tục cưới miền Trung, cô dâu sẽ không được mẹ đưa về nhà chồng hoặc nếu đưa thì sẽ mồi trên đoàn xe khác với đoàn đưa dâu.
Những điều kiêng kỵ trong lễ cưới hỏi miền Trung
Sự khác biệt của thủ tục cưới hỏi miền Trung so với các vùng miền khác rất rõ rệt, nhưng đây cũng là nét đặc trưng làm nên sự thú vị của nơi này. Người miền Trung chân chất, thật thà, không câu nệ sính lễ vật chất nhưng lại xem trọng những chi tiết nhỏ trong nghi lễ. Trong topic sau chúng mình sẽ bật mí cho bạn những thủ tục cưới hỏi của miền Nam, miền Bắc nhé. Hẹn gặp lại trong các bài viết sau.