Bạn đang đọc bài viết: Những nghi lễ quan trọng trong phong tục cưới hỏi miền Tây

Loading
  • svg
11/09/2024By Meow

Những nghi lễ quan trọng trong phong tục cưới hỏi miền Tây

Điều thú vị của phong tục tập quán vùng miền là mỗi nơi sẽ có một nét đặc trưng khác nhau, mang đậm bản sắc của nơi đó. Cưới xin là một trong những nghi lễ quan trọng thể hiện ý nghĩa không chỉ về tình cảm mà còn về văn hoá, tập quán. Hôm nay hãy cùng chúng mình tìm hiểu về phong tục cưới hỏi miền Tây, bạn sẽ thấy có nhiều điểm thú vị khác hẳn ở miền Trung, miền Bắc hay miền Nam đấy.

Những nghi lễ quan trọng trong phong tục cưới hỏi miền Tây

Nét độc đáo trong đám cưới miền Tây

Nhắc đến miền Tây chúng ta nghĩ ngay đến vùng sông nước, vậy nên không lạ gì khi nhiều đám cưới miền Tây rước dâu bằng ghe, phà. Dù hiện nay các tuyến đường bộ đã được xây dựng rộng rãi, thế nhưng nhiều người vẫn giữ nét đẹp độc đáo là đưa dâu bằng đường sông.

Trong phong tục cưới hỏi miền Tây còn có mục “thách cưới”. Nhà gái sẽ “thách cưới” nhà trai với một khoản tiền, trang sức hoặc món đồ gì đó. “Thách cưới” là cách để nhà trai chứng minh thành ý và tình cảm của mình đối với nhà gái. Tuy nhiên có nhiều trường hợp “thách cưới” với số tiền quá lớn gây ra những tranh cãi không đáng có.

Những nét độc đáo trong đám cưới ở miền tây

Các nghi lễ trong phong tục cưới hỏi miền Tây

Trong phong tục cưới hỏi miền Tây phải có đủ lục lễ, nghĩa là 6 nghi lễ. Bao gồm: lễ giáp lời, lễ thông gia, lễ cầu thân, lễ hỏi, lễ cưới và lễ phản bái. Ngày nay vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên một số gia đình đã lược bớt số lễ. Tuy nhiên, quy trình cưới hỏi truyền thống ở vùng sông nước vẫn đề cao việc thực hiện đủ lục lễ.

Lễ giáp lời

Lễ giáp lời miền Tây hay còn gọi là lễ dạm ngõ (theo tiếng miền Bắc), đám nói (theo tiếng miền Nam). Đây là nghi lễ đầu tiên trong phong tục đám cưới miền Tây. Theo đó, gia đình nhà trai sẽ đến nhà gái để chính thức gặp mặt và nói chuyện với bố mẹ cô dâu. 

Trong nghi thức lễ giáp lời, hai bên gia đình sẽ trò chuyện, trao đổi chủ yếu xoay quanh vấn đề tuổi tác của hai con, bàn việc hôn nhân và định trước ngày cưới.

Lễ thông gia

Sau khi buổi lễ dạm ngõ diễn ra, đằng nhà trai cũng sẽ mời họ nhà gái sang chơi để biết hoàn cảnh gia đình, nơi ăn chốn ở của vợ chồng trẻ. Từ đó, nhà gái sẽ thêm yên tâm khi gả con gái của mình đi.

Lễ cầu thân

Khi cả hai bên gia đình đã đồng ý cho đôi trẻ về chung nhà, họ nhà trai cần mang lễ vật sang họ nhà gái, hành động này gọi là bỏ đồ (cho đồ). Hiện nay, một số nơi đã bỏ qua lễ này nếu hai bạn trẻ đã tìm hiểu và biết nhau trước đó. 

Lễ hỏi

Lễ hỏi là phần lễ quan trọng không thể thiếu trong đám cưới miền Tây. Đến ngày tổ chức lễ hỏi, nhà gái sẽ treo bảng lễ đính hôn hay lễ đăng khoa.

Các nghi lễ sẽ diễn ra theo trình tự: Ông thông lễ khai trình lễ y kỳ, trình lễ khai hòa để kiến gia tiên, trình lễ thượng đăng sau khi trưởng tộc nhà trai rót rượu, lễ bái gia tiên, lễ đỡ mâm trầu, trình lễ kiếu.

Theo phong tục đám hỏi miền Tây, số mâm lễ nhà trai trình với nhà gái là số chẵn, tùy từng gia đình mà có từ 4 đến 12 mâm, gồm: 

  • Mâm trầu cau: Thông thường mâm trầu cau cần 105 trái kèm 210 lá trầu.
  • Mâm trà, rượu và nến: Dùng để dâng lên bàn thờ tổ tiên, thể hiện sự tôn kính của con cháu, mong ông bà phù hộ hôn nhân của cô dâu chú rể được hạnh phúc bền lâu.
  • Mâm trái cây: Tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân ngọt ngào. Những loại trái cây thường được chọn là nho, táo, lê…Ngoài ra, mâm quả miền Tây sẽ có thêm các loại hoa quả mang đặc trưng của vùng sông nước.
  • Mâm xôi gấc: Thể hiện sự ấm no. Màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự gắn kết bền chặt của cô dâu chú rể. Nhiều gia đình còn chuẩn bị kèm theo gà luộc, heo quay…
  • Khay trà rượu và phong bì lễ: Đây là tráp lễ đen, sẽ có phong bì tiền nhà trai chuẩn bị để thắp hương, dâng lên bàn thờ gia tiên nhà gái.

Ngoài ra, gia đình nhà trai có thể chuẩn bị thêm một tráp quần áo tặng cô dâu để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của mẹ chồng dành cho con dâu tương lai.

Lễ hỏi rất quan trọng trong phong tục cưới hỏi miền tây

Lễ cưới

Trang trọng và đông vui nhất trong phong tục cưới hỏi miền Tây chính là lễ cưới và lễ rước dâu. Theo đó, lễ cưới sẽ diễn ra tại hai nhà dâu rồi, mọi thứ được chuẩn bị hết sức công phu và kỹ càng.

Vào đêm trước ngày đưa dâu, gia đình, họ hàng của nhà gái sẽ tụ họp đông đủ gọi là nhóm họ. Mọi người cùng nhau chuẩn bị mọi thứ, cùng thống nhất của hồi môn cho con dâu, chọn người đưa dâu và dặn dò cô dâu điều phải nhớ trước khi xuất giá sang nhà chồng.

Trong ngày cưới, theo giờ đẹp định sẵn, họ nhà trai gồm trưởng tộc, chú rể, ông bà, cha mẹ, cô dì… sẽ đến nhà gái làm lễ thành hôn và rước dâu về. Trưởng tộc và chú rể sẽ bưng khay trầu có đôi đèn, ông bà cha mẹ, họ hàng phải đi theo đôi hay số chẵn để phụ bưng khay tiệc, thường sẽ đi theo cặp 4 hoặc 6.

Lễ phản bái

Đây là một điểm độc đáo trong phong tục cưới hỏi miền Tây so với những vùng miền khác. Cụ thể, sau khi cưới ba ngày, đôi vợ chồng trẻ sẽ trở về nhà cha mẹ cô dâu, lúc đó cha mẹ chú rể cũng có thể đi cùng và mang theo lễ vật là cặp vịt trống lớn cùng rượu. Lễ này thể hiện sự biết ơn của con rể đối với cha mẹ vợ vì đã gả con gái cho mình.

Lễ phản bái thể hiện sự biết ơn với nhà vợ

Văn hoá mỗi vùng miền đều có những nét đặc trưng riêng biệt, ăn liền với lối sống sinh hoạt và quan niệm của nơi đó. Thông qua bài viết này bạn đã biết về các nghi lễ có trong phong tục cưới hỏi miền Tây rồi, sau này có dịp dự đám cưới ở vùng sông nước hãy kiểm chứng lại xem đúng không nhé. Trong bài viết sau Hôm Nay Đi Đâu sẽ giới thiệu đến bạn đọc các tục lệ cưới hỏi của những vùng miền khác, đảm bảo có nhiều tục lệ rất thú vị, bạn nhớ đón đọc nha.

Loading
svg
  • 01

    Những nghi lễ quan trọng trong phong tục cưới hỏi miền Tây

Quick Navigation